Ted Vu

Học được gì từ 2 tác phẩm kinh điển của Trung Quốc?

April 29th, 2024

Hôm nay mình xin chia sẻ cho độc giả của blog về 2 tác phẩm kinh điển của Trung Quốc và những bài học thú vị:

Tác phẩm 1: Tam Quốc Diễn Nghĩa

Bài học: Muốn thành công cần có Thiên thời, Địa lợi, Nhân Hòa.

Tam Quốc Diễn Nghĩa là một tác phẩm kinh điển của La Quán Trung kể về cuộc tranh chấp thiên hạ ở cuối đời Hán của 3 phe Ngụy, Thục, Ngô. Cuộc tranh chấp xảy ra trong thời gian dài, giằng co, quyết liệt với nhiều cuộc chiến nổi tiếng. Quân Ngụy đứng đầu là Tào Tháo - người được mệnh danh là chân mệnh thiên tử, mượn danh nghĩa phục hưng nhà Hán để quy tụ hào kiệt và xưng vương. Tào Tháo là một nhân vật đa nghi nhưng quyết đoán ông được xem là người nắm thiên thời với sự ủng hộ từ triều đình và có lực lượng binh tướng hùng mạnh. Về phía địa lợi, đó là nhà Ngô của Tôn Kiên mà sau này là Tôn Quyền. Nhà Ngô ở vùng Giang Đông, có cơ ngơi rộng lớn ở vùng sông nước, nhờ địa thế vững mạnh mà dù quân Ngụy hay Thục dù mạnh đến đâu trong các thời kì cũng không tài nào đánh gọn được Đông Ngô. Và cuối cùng là phe Thục của Lưu Bị, ông tuy không phải quá xuất chúng về tài trí hay sức khỏe nhưng có khả năng quy tụ hiền tài, nhờ sự khiêm nhường ông đã mời được Khổng Minh - một quân sự đại tài trong thời Tam Quốc và xây dựng quân đội với ngũ hổ tướng nổi danh thời Tam Quốc. Ba phe có ba thế mạnh khác nhau nên luôn giằng co không thể bình thiên hạ. Đó cũng là ngụ ý thú vị của tác phẩm, muốn thành công trong việc lớn luôn cần có 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa thiếu một trong ba, khó bình thiên hạ.

Tác phẩm 2: Tây Du Kí

Một công ty thu nhỏ thật sự được vẽ nên qua tác phẩm. Nếu ta xem CEO của công ty là Đường Tăng thì 3 đồ đệ là những nhân viên với những nét cá tính khác nhau mà ta thường gặp trong chốn công sở. Sa Tăng - là nhân vật thường gánh vác đồ cho cả nhóm, là người nói ít làm nhiều nhưng không biết xu nịnh như Tôn Ngộ Không hay tham công như Bát Giới. Bát Giới là người thường thoái lui trong các cuộc đấu với yêu quái nhưng luôn đảm bảo công trạng. Nhân vật này bản tính tham lam nhưng có đầu óc tính toán đảm bảo an toàn cho bản thân luôn tranh công ghi điểm trong mắt Đường Tăng. Và nhân vật cuối cùng là Tôn Ngộ Không nhân vật thông thạo 72 phép thần thông, yêu quái nào cũng có thể xử lý cho nhóm, nhưng đôi khi ngạo mạn khoác lác nên bị Đường Tăng kiểm soát qua chiếc vòng kim cô.

Qua tác phẩm ta thấy một nhân viên xuất sắc thật sự cần cả ba nét tính cách của ba nhân vật trên: cần sự cần cù chịu khó nói ít làm nhiều của Sa Tăng, cần sự tính toán đảm bảo danh lợi an toàn cho bản thân của Trư Bát Giới và cũng cần sự sáng tạo đột phá xung phong giải quyết các vấn đề phức tạp cho nhóm của Tôn Ngộ Không.

Qua 2 tác phẩm trên mình mong độc giả đã thấy được những bài học thú vị để có thể áp dụng trong cuộc sống và để có thể 'bình trị thiên hạ'.

Created by Ted Vu, copyright 2024, proudly powered by GatsbyJS